Skip to main content

Lịch sử hình thành

Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế: Ngôi trường của những vị tướng tài ba

Thành lập năm 1899, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế mang sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật nhằm phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chất lượng nguồn nhân lực

Ra đời ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (tiền thân là trường Kỹ nghệ thực hành Huế – Ecole Pratique D’Industry de Hué) vươn mình theo nhịp bước của tiến trình cách mạng. Hàng vạn người con ưu tú của trường một lòng kiên trung theo Đảng và trưởng thành với những cương vị lãnh đạo cao trong công tác, đóng góp nhiều cho kháng chiến. Hàng nghìn cán bộ khoa học kỹ thuật đã say sưa, tận tụy với nghề nghiệp, lớn lên nhờ quá trình dạy học với phương châm đào tạo “Thực học – Thực nghiệp”, đã góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Với 120 năm xây dựng và phát triển, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã đào tạo nhiều người con ưu tú cho Đảng, cho nhân dân. Lớp lớp thế hệ thầy và trò nhà trường nối tiếp nhau, viết nên truyền thống vẻ vang trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đã được xã hội ghi nhận, được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất (1999, 2004), 01 Huân chương Lao động hạng Nhất (2014), 01 Huân chương Lao động hạng Nhì (1994), 01 Huân chương Lao động hạng Ba (1989).

Nơi ươm mầm những vị tướng lĩnh tài ba

Năm 1926, tổ chức Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội ra đời. Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam của trường sớm được thành lập vào năm 1930. Cùng với đó, các tổ chức quần chúng cách mạng ra đời tại trường: Năm 1936, thành lập Hội Ái hữu cựu học sinh Kỹ nghệ Huế; năm 1938, thành lập Đoàn Thanh niên Dân chủ, năm 1939 thành lập Đoàn Thanh niên Phản đế; năm 1941, thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc.

Phong trào cách mạng trong học sinh sôi sục, tôi luyện tinh thần và ý chí kiên cường của lớp thanh niên lúc bấy giờ. Đó là khởi đầu sự nghiệp cách mạng của nhiều tướng lĩnh tài ba là cựu học sinh của trường giai đoạn 1935 – 1950, nổi bật là các thượng tướng: Trần Văn Trà, Trần Sâm, Hoàng Văn Thái; các Trung tướng: Lê Văn Tri, Nguyễn Hòa; các Thiếu tướng: Hồ Tú Nam, Đào Quang Cát, Trần Chí Cường, Lê Văn Ba, Nguyễn Thuận.

Theo Thiếu tướng Hồ Tú Nam (cựu học sinh khóa 1940 – 1943), phác họa truyền thống của trường Cao đẳng Công nghiệp Huế có thể nêu thành ba điểm chính: Một là, rèn luyện toàn diện, giỏi tay nghề và tác phong công nghiệp tốt; Hai là, vững vàng về chính trị, trung thành với Tổ quốc, với cách mạng; Ba là, hữu ái, tương thân, nghĩa tình trọn vẹn.

Với tất cả tấm lòng với Nhà trường, Thiếu tướng Hồ Tú Nam viết: “Cả cuộc đời tôi giữ mãi một điều thầm kín trong lòng: tự hào và gắn bó với truyền thống của trường Kỹ nghệ Huế thân yêu”.

Thượng tướng Trần Sâm (cựu học sinh khóa 1935 – 1938) kể: “Những ngày đấu tranh và đi đón Gô – đa đã ghi lại một trang sử hào hùng trong phong trào đấu tranh của học sinh Kỹ nghệ Huế. Ngày ấy đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với tôi và có ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu cách mạng của tôi mãi về sau này”.

Giữ vững thương hiệu và uy tín

Năm 2005, Nhà trường được nâng cấp thành trường Cao đẳng, đào tạo bậc Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp. Với tầm nhìn đến năm 2025 phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo tiên tiến, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Kể từ đó, nhà trường đang thực hiện sứ mệnh xây dựng môi trường học tập và làm việc thân thiện, nhân văn trong nền kinh tế tri thức; Áp dụng công nghệ tiên tiến trong dạy – học, tạo cơ hội để người học tự học suốt đời; Cung ứng các dịch vụ giáo dục đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của Trường.

Đến nay, Nhà trường có đội ngũ cán bộ giảng viên trình độ cao, vững tay nghề và tâm huyết. Trong nhiều năm qua, bên cạnh tận dụng các nguồn lực từ các dự án trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực và trình độ giảng viên, phục vụ trực tiếp cho công tác dạy nghề như: dự án KOSEN trong việc xây dựng các ngành kỹ thuật nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Dự án USAID COMMET nâng cao năng lực giảng viên thông qua các phương pháp đào tạo tiên tiến… thì trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cũng xác định phải gắn kết đào tạo với yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo đó, Trường đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp vào Nhà trường, tăng cường đưa sinh viên đến thực tập tại các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước; được các doanh nghiệp chi trả các chi phí và lương thực tập của sinh viên.

Thông qua đó, sản phẩm đào tạo dần dần đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường cũng đã chủ động mời một số doanh nghiệp uy tín trên địa bàn tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo, chấm khoá luận tốt nghiệp, giảng dạy một số học phần hoặc trình bày các chuyên đề phù hợp với năng lực…

Cùng với việc trang bị tay nghề tốt, các kỹ năng mềm, an toàn lao động, tin học, ngoại ngữ là những điều kiện bắt buộc đối với sinh viên khi ra trường. Vì vậy, với những kiến thức và kỹ năng được trang bị, các em sinh viên đã rút ngắn được khoảng cách giữa lý thuyết của Trường học với thực tế tại doanh nghiệp. Nhờ đó, hàng năm, nhà trường cung ứng cho xã hội hàng ngàn cử nhân, công nhân lành nghề và đã được các đơn vị tuyển dụng đánh giá khá cao về năng lực làm việc, kỹ năng nghề và đạo đức, giúp các giúp các bạn trẻ nhanh chóng tạo dựng được sự nghiệp và ước mơ của mình.