Chi tiết

Một trong những nơi khởi đầu của phong trào sinh viên, học sinh Huế

Trong lịch sử hình thành và phát triển phong trào yêu nước chung của nhân dân Thừa Thiên Huế, học sinh trường Kỹ nghệ thực hành Huế (nay là trường Cao đẳng Công nghiệp Huế) luôn đi đầu trong nhiều phong trào, góp phần hình thành tổ chức Đảng và thành công của cách mạng.

Đòi chủ thầu thay thức ăn

Từ năm 1925, trường Kỹ nghệ thực hành Huế, nay là trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, được đưa vào sử dụng ở địa điểm hiện nay bên bờ sông An Cựu với diện tích 25.400m2. Học sinh khoảng 100 người. Tất cả các học sinh được học tập và sinh hoạt nội trú trong trường, trừ số ít học sinh có gia đình hay người bảo lãnh ở Huế thì ngoại trú hoặc bán trú. Trường có 2 tòa nhà 2 tầng cho học sinh, tầng 2 dùng làm nhà nội trú, tầng 1 dùng làm lớp học, phòng vẽ, nhà ăn, nhà chơi.

Ở trường lúc bấy giờ đã có chế độ học sinh tham gia quản lý bữa ăn. Hàng tháng có 2 đại biểu học sinh năm 2 và năm 3 được cử ra cùng chủ thầu lên thực đơn từng ngày, từng tuần và cho cả tháng. Các đại biểu theo dõi nấu cháo và thức ăn sáng từ 3 – 4 giờ, 9 giờ và 15 giờ theo dõi nấu bữa trưa và bữa tối. Cuối ngày, các đại biểu lên phòng Giám thị ghi nhận xét tình trạng ăn uống trong ngày. Giám thị của trường là Ưng Tập. Chủ thầu là vợ chồng Mệ Sừng. Chủ thầu thường xuyên lui tới nhà và cấu kết với Giám thị Ưng Tập, bớt xén khẩu phần ăn của học sinh, vì vậy, học sinh đều căm ghét vì ăn không đủ no, thức ăn ít, nhiều lần cơm sống, cơm khê. Mỗi lúc lên thực đơn, ghi nhận xét đều có mặt Giám thị, ông ta bao giờ cũng lên tiếng bênh vực chủ thầu. Tuy có ý muốn uy hiếp học sinh, song các đại biểu học sinh luôn giữ vững tinh thần bảo vệ quyền lợi chung. Theo lời kể của Thượng tướng Trần Sâm (cựu học sinh khóa 1935 – 1938), có một bữa trưa, khi vào phòng ăn, các học sinh theo dõi bữa ăn đề nghị mọi người chưa ăn vội để nghe thông báo phát hiện trong canh có sâu. Lập tức, toàn thể học sinh ra khỏi nhà ăn và đề nghị đại biểu học sinh báo chủ thầu, yêu cầu đổi thức ăn khác. Tuy bị cả chủ thầu lẫn giám thị Ưng Tập uy hiếp, tất cả các học sinh vẫn kiên quyết yêu cầu thay đổi thức ăn, nếu không sẽ nhịn ăn và chiều nghỉ học. Chủ thầu và giám thị phải lùi bước và mua cho mỗi học sinh 2 bánh mỳ kẹp nhân.

Không xếp chữ Bảo Long

Trong chương trình trình diễn tại Lễ khánh thành sân vận động Huế, học sinh của trường Kỹ nghệ thực hành Huế được huy động tham gia đồng diễn. Phụ trách đội hình là một thầy dạy thể dục người Tây thuộc Trung đoàn Lê Dương đóng ở Huế. Trong nội dung trình diễn có mục xếp thành hai chữ Bảo Long, là tên con trai mới sinh của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu.

Tuy bất bình vì buộc phải tham gia xếp tên thằng trẻ con mới đẻ, tuy nhiên trong học sinh vẫn thống nhất tập luyện, khi đồng diễn thực sẽ khác. Các buổi tập và trình diễn thử đều rất tốt. Buổi lễ được tổ chức. Học sinh ăn mặc gọn gàng, vào vị trí trình diễn trật tự, tuy nhiên không có chữ Bảo Long.

Sau ngày lễ, không thấy đội Tây cũ dạy thể dục đến dạy nữa, thay vào đó là một đội Tây mới. Ông ta rất nghiêm khắc, bắt học sinh phải chạy nhiều vòng, có lẽ là hình phạt cho việc học sinh không chịu xếp chữ Bảo Long.

Học tập tinh thần cách mạng của cụ Phan Bội Châu

Cuối năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt, đưa về giam lỏng ở Huế. Tại đây, cụ Phan đi diễn thuyết, gặp gỡ và nói chuyện với các trí thức và thanh niên các trường học. Cụ đã gợi nên lòng yêu nước, thương nòi, vạch trần bản chất xấu xa, bóc lột của chế độ thuộc địa trong nhân dân, đặc biệt là trong học sinh. Phần lớn học sinh trường Kỹ nghệ thực hành lúc bấy giờ đều luôn có mặt tại nhà cụ Phan vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ để nghe cụ nói chuyện, kích thích tinh thần yêu nước.

Phong trào bãi khóa

Tháng 3 năm 1926, học sinh trường Kỹ nghệ thực hành đã tổ chức đấu tranh chống lại chế độ giáo dục hà khắc. Học sinh đã cử Ban lãnh đạo cuộc đấu tranh, thống nhất các yêu sách đòi cải thiện chương trình học tập, chống sỉ nhục và đánh đập học sinh, thay đổi chế độ ăn ở, sinh hoạt nội trú; được đại đa số học sinh ký tên gửi lên Ban Giám đốc. Sau lá đơn kiến nghị thứ 3 không được giải quyết, học sinh toàn trường đã bãi khóa. Hơn 100 học sinh đại diện cho tập thể học sinh của trường kéo đến trước tòa Khâm sứ Trung Kỳ để đưa yêu sách. Khâm sứ hăm dọa, yêu cầu học sinh phải quay về trường đi học. Tuy nhiên, trước thái độ kiên quyết của học sinh, tên Khâm sứ buộc phải chấp nhận giải quyết yêu sách của học sinh.

Những yêu sách của học sinh tuy vậy vẫn không được giải quyết. Rất căm phẫn trước thái độ phớt lờ, coi khinh học sinh của Khâm sứ, học sinh tiếp tục viết đơn phản kháng thái độ của Khâm sứ: nói mà không làm, nói dối, lừa lọc người dưới quyền, không đúng với cách cư xử của người bề trên.

Khi đơn đến tòa Khâm, tức tốc tòa Khâm lệnh bao vây trường và đàn áp học sinh dưới sự chỉ huy của trùm mật thám Pháp Pi – ê – nốt và khoảng 40 lính khố xanh. Tất cả các học sinh lúc này đang học thực hành buổi chiều, bị gọi ra sân trường và nhốt vào các phòng, có lính canh gác nghiêm ngặt.

Tiếp theo, tên Pi – ê – nốt, bọn mật thám Pháp gọi từng học sinh lên phòng Đốc học hỏi: Muốn ở lại học hay muốn về nhà, và yêu cầu học sinh chỉ được trả lời hoặc “ở lại” hoặc “về nhà”, không được nói gì thêm, ai trái lệnh sẽ bị xử pháp. Một số học sinh chúng coi là cứng đầu cứng cổ bị giải đi, giải lại hoặc phạt quỳ trước sân trường để uy hiếp học sinh.

Hầu hết các học sinh lựa chọn bỏ về nhà. Chúng buộc học sinh sửa soạn học cụ, trả lại áo quần cho nhà trường và đuổi học sinh ra khỏi trường. Tất cả các học sinh ra khỏi trường đều được tổ chức ở lại trong từng nhà dân vùng bến Ngự để tiếp tục đấu tranh. Ban lãnh đạo cuộc bãi khóa đã hoạt động tích cực, một mặt đi quyên góp tiền bạc để học sinh đủ sống những ngày ở Huế, chuẩn bị tiền tàu xe để anh em về quê; mặt khác cử người viết đơn tố cáo gửi toàn quyền Đông Dương để khiếu nại và viết bài tố cáo chế độ giáo dục hà khắc, hành động đàn áp của Khâm sứ Trung kỳ gửi báo L’Humanité (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp để tố cáo trước dư luận Pháp.

Cuộc đấu tranh đã gây tiếng vang lớn. Trước tình hình đó, bọn thống trị phải thay đổi hiệu trưởng, điều chỉnh chương trình, nới rộng chế độ sinh hoạt và kêu gọi học sinh trở lại trường. Sau gần 6 tháng bãi khóa, tháng 9 năm 1926, học sinh mới tiếp tục học trở lại.

Với các phong trào đấu tranh trong học sinh sôi nổi, có tổ chức, học sinh trường Kỹ nghệ thực hành Huế đã mở đầu trong lịch sử đấu tranh của sinh viên, học sinh ở Huế, lan tỏa phong trào đấu tranh sang các trường khác, đưa lại những bài học kinh nghiệm quý báu để chuẩn bị con đường đấu tranh cách mạng có mục đích, tôn chỉ cao hơn; đồng thời góp phần cùng phong trào đấu tranh chung, hình thành nên cơ sở cách mạng sớm nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Hiện nay, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (trường Kỹ nghệ thực hành Huế trước đây) có gần 4.000 học sinh - sinh viên hệ chính quy. Phát huy truyền thống của lớp cha anh đi trước, sinh viên – học sinh Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi trên các mặt: uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tình nguyện, nhân đạo, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…, là lá cờ đầu của thành phố Huế, nhiều năm liền vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng bằng khen.

Tư liệu tham khảo:

Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2010

Hồi ký của Ngô Kha, thượng tướng Trần Sâm và một số cựu học sinh trường Kỹ nghệ thực hành Huế

Ảnh: Một giờ luyện tập thể thao của học sinh trường Kỹ nghệ thực hành, ảnh chụp năm 1926


Ngày gửi: 8/1/2019
Số người đã xem: 834
Trở lại