Chi tiết

Bế mạc Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018: Tỏa sáng "nghệ thuật" sư phạm nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

Tối ngày 21/9, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Lễ Bế mạc Hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 đã được tổ chức long trọng. Đến dự Lễ có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Quân, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vẫn đề xã hội của Quốc hội, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, thanh thiếu niên nhi đồng của QH, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hằng Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH VN....đại diện các thầy, cô giáo tham gia hội giảng
Kết quả, Hội giảng đã lựa chọn được: 01 bài giảng điển hình về ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả; 01 bài giảng về sử dụng thiết bị giáo dục nghề nghiệp tự làm hiệu quả nhất; 15 bài giảng toả sáng về kỹ năng nghề và phương pháp sư phạm của 15 nhà giáo trẻ tuổi nhất; 256 nhà giáo đạt giải khuyến khích; 48 nhà giáo đạt giải ba, 32 nhà giáo đạt giải nhì, đặc biệt có 16 nhà giáo đạt giải nhất và 7 tỉnh, thành phố đạt giải nhất, nhì, ba toàn đoàn. Cụ thể, đoàn TP Hà Nội đạt giải nhất toàn đoàn với 6 giải nhất cá nhân; đoàn TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng đạt giải nhì; đoàn Nam Định, Bắc Ninh, Lai Châu, Nghệ An đạt giải ba.

Đánh về kết quả Hội giảng, TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN – Trưởng ban tổ chức hội giảng cho biết, Sau 06 ngày đầy ắp những hoạt động sôi nổi, thiết thực và nhiều cảm xúc, với sự hỗ trợ hết mình và nồng nhiệt của Thành phố Hà Nội và các trường đăng cai; với sự tận tâm và nghiêm túc của Ban Tổ chức, Hội đồng giám khảo; với tinh thần hợp tác, chia sẻ và cầu thị của các thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác GDNN, đến lúc này, có thể khẳng định, Hội giảng năm nay đã thành công tốt đẹp. 56 tỉnh, thành phố tham gia Hội giảng đã mang tới 373 bài giảng của 90 nghề, tập trung vào các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế vừa phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như nghề: Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật cơ khí, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Hàn, Công nghệ ô tô, Quản trị Khách sạn, nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Điều dưỡng, May và Thiết kế thời trang, Nông lâm nghiệp… Những nghề này có nhiều nhà giáo dự thi với sự cạnh tranh về chất lượng giảng dạy rất quyết liệt, sôi động.

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, nhiều thầy giáo, cô giáo đã nắm vững kiến thức kỹ năng chuyên môn và tỏa sáng “nghệ thuật” sư phạm, thông qua việc kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại, tạo nên môi trường học tập tích cực, sinh động, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học; Nhiều bài giảng đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới; ứng dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ thông tin, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao tạo nên sức hấp dẫn đối với người học, nâng cao hiệu quả giờ giảng, giúp cho người học tiếp thu dễ dàng; Một số bài giảng sử dụng thiết bị tự làm phù hợp với thực tiễn, có tính sáng tạo, đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tại Lễ bế mạc, thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời chúc mừng tới các đoàn tham gia Hội giảng, các thầy, cô giáo tham gia trình giảng đạt thành tích cao, góp phần làm nên thành công của Hội giảng năm nay. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng chúc mừng và biểu dương Đoàn Việt Nam đã đạt thành công lớn tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 tổ chức tại Thái Lan vừa qua với thành tích 7 huy chương Vàng, 7 huy chương Bạc, 6 huy chương Đồng và 16 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, đứng thứ 3 trong 10 nước dự thi, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, vị thế của lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Hội giảng các cấp và đặc biệt là Hội giảng toàn quốc là hoạt động chuyên môn có tính phong trào rộng rãi góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Hội giảng toàn quốc năm 2018 đã diễn ra với tinh thần đổi mới và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Với sự sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin của các thầy giáo, cô giáo đã xây dựng thành công nhiều bài giảng có chất lượng cao, thể sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của toàn ngành Giáo dục nghề nghiệp trong công tác cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học trong đó các nhà giáo là chủ thể. Đây là hướng đi đúng phù hợp với đòi hỏi mới trong phát triển giáo dục nghề nghiệp. vừa mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 10 quy định mã số chức danh nghề nghiệp, như vậy, sau nhiều năm, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã có mã số và tiêu chuẩn chức danh riêng. Đây là một trong những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong rằng, qua mỗi kỳ Hội giảng, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ có những đánh giá đúng đắn về chất lượng đội ngũ nhà giáo nói riêng cũng như chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung và đồng thời ghi nhận những cống hiến của đội ngũ nhà giáo cho sự nghiệp phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong cả nước. Trên cơ sở đó, các cấp quản lý sẽ tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, từ Hội giảng này, phong trào thi đua dạy tốt học tốt trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực và vững chắc hơn. Phấn đấu Hội giảng lần sau có 100% các địa phương tham gia; 100% bài giảng là bài tích hợp; có ngày càng nhiều các ngành/lĩnh vực có bài tham gia trình giảng; tỷ lệ nữ nhà giáo tham gia ngày càng đông. "Ban tổ chức Hội giảng, tiếp tục phát huy, nhân rộng những kết quả tích cực của Hội giảng để góp phần thiết thực vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp"- Bộ trưởng chỉ đạo.

 

ộ trưởng Đào Ngọc Dung mong rằng, nhiệm vụ của hệ thống Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự tham gia, vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân nhằm đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật trình độ cao. Điều đó đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các thầy giáo, cô giáo trong toàn hệ thống cần phải nỗ lực hơn nữa, luôn luôn trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, phát huy sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tập trung hơn nữa, mở rộng quy mô, cơ cấu ngành nghề hợp lý và đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về lượng, đảm bảo về cơ cấu và chất lượng; chăm lo đúng mức xây dựng đội ngũ để có được lực lượng nhà giáo và cán bộ quản lý Giáo dục nghề nghiệp có kỹ năng tốt, phương pháp tốt và thực sự tâm huyết với nghề nghiệp. Đồng thời tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng thực sự thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bám sát và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động cả trong và ngoài nước. Đặc biệt chú trọng hơn nữa giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào công tác quản lý và đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Mặt khác, phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu, điều chỉnh cơ cấu đào tạo nhân lực và làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp để làm cơ sở cho đào tạo nghề nghiệp phát triển.

Nguồn: Cổng Thông tin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH

http://gdnn.gov.vn/



Ngày gửi: 23/9/2018
Số người đã xem: 836
Trở lại