Chi tiết

Số hóa đào tạo nhân lực tại Việt Nam: Cần sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp và trường học

Các đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực như robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, internet vạn vật đang làm thay đổi các quy trình tự động hóa và sản xuất trên khắp thế giới. Đây là cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam và là thách thức đối với hệ thống đào tạo nghề buộc ngành giáo dục phải thay đổi để thích ứng.

Tại “Hội nghị về cách thức nền công nghiệp 4.0 định hình tương lai của lĩnh vực đào tạo nghề” diễn ra ngày 18/9, các đại diện đến từ Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội, các cơ sở dạy nghề và các tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận về những thách thức ngày càng cấp bách trong quá trình đào tạo nghề ở Việt Nam.

Theo đó, hội nghị tập trung vào các tác động của công nghiệp 4.0 và số hóa đối với phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao tại Việt Nam, cùng với việc xây dựng các kiến nghị cụ thể cho các khối đề ra chính sách, khu vực doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Trong đó, các chủ đề nổi bật bao gồm các thách thức hiện nay trong hệ thống đào tạo nghề, các kỹ năng cần thiết trong các ngành sản xuất cụ thể, và các quan điểm về tác động của các xu hướng đến sự phát triển.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Cục trưởng Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) - nêu thực tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề việc làm sẽ thay đổi, nhiều ngành nghề mất đi và nhiều ngành nghề mới ra đời nên danh mục đào tạo, kỹ năng người lao động cũng phải thay đổi thích ứng. Các kỹ năng trình độ thấp sẽ không còn phù hợp và cách thức tổ chức đào tạo, cách dạy học, phát triển kỹ năng truyền thống sẽ phải đổi mới. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý dạy và học không chỉ còn là việc sử dụng máy tính khai thác một vài phần mềm ứng dụng mà còn là lý tận dụng tối đa tài nguyên vô hạn từ internet và máy tính.

“Về phía Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch để chuyển sang đào tạo đáp ứng với sự thay đổi của cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể là xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn kiến thức kỹ năng nghề, yêu cầu nhà giáo phải phát triển dựa trên tiêu chí về áp dụng CNTT trong giảng dạy… “, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Andreas Siegel, Tổng Lãnh sự của Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức tại TP. Hồ Chí Minh- dựa trên bối cảnh phát triển công nghệ số hiện nay thì tại Việt Nam với 16 công việc cần người ở lĩnh vực CNTT chỉ 1 người đáp ứng được công việc. Vì thế trong thời gian qua Đức và Việt Nam đã hợp tác đào tạo nghề cho sinh viên. Việc đào tạo này dựa trên nhu cầu phát triển công nghệ, có sự tham gia của doanh nghiệp, học viện đào tạo nghề. Đơn cử có thể kể tới mô hình đào tạo do Bosch Rexroth hợp tác với Trường Cao đẳng nghề công nghệ quốc tế LILAMA 2.

Được biết, ở mô hình đào tạo này, các sinh viên/học viên tham gia sẽ tiếp cận và sử dụng các thiết bị huấn luyện và phần mềm đạt chuẩn công nghiệp thay vì các mô hình giả lập, qua đó, trang bị cho mình kiến thức công nghiệp và kinh nghiệm thích ứng với môi trường sản xuất thực tế.

Ông Nikolay Kurnosov, Giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam và Campuchia - cho biết, lực lượng lao động có tay nghề cao đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Các chương trình đào tạo sẽ phải theo kịp các xu hướng và phát triển công nghiệp để giữ vững khả năng cạnh tranh trong tương lai. Là một trong các chuyên gia toàn cầu về công nghệ truyền động và điều khiển, Bosch Rexroth mang đến một nền tảng kỹ thuật cùng kinh nghiệm toàn diện. Chúng tôi muốn truyền đạt những kiến thức và công nghệ này cho sinh viên/học viên một cách đầy đủ và thiết thực nhất.

Theo các chuyên gia, các kết quả của quan hệ hợp tác phát triển này có ý nghĩa nhất định đối với toàn bộ hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam, vì có thể lồng ghép các bài học kinh nghiệm và kiến nghị về công nghiệp 4.0 vào khung quy định của đào tạo nghề.

Theo: Minh Long

Nguồn: http://congthuong.vn/

 




Sent on Date: 27/9/2018
Viewed: 836
Return