Chi tiết

Cẩn thận với trường tuyển sinh riêng

Đến thời điểm này có 62 trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT chấp thuận tuyển sinh riêng. Khi lựa chọn đăng ký vào những trường này, thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ cách thức tuyển sinh của mỗi trường, bởi lẽ dù cùng cách thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình 3 năm THPT nhưng mỗi trường lại có quy định riêng.

Đa dạng cách tuyển sinh

Theo danh sách Bộ GD-ĐT công bố, có thể khái quát hình thức tuyển sinh riêng của các trường khá phong phú. Có thể phân các trường tuyển sinh riêng làm nhiều nhóm. Nhóm thứ nhất là các trường có đề án tuyển sinh mang cách thức riêng như ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Tân Tạo…

Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội thi “3 chung” ở tất cả các ngành nhưng một số ngành có thêm phần đánh giá năng lực. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố thí sinh phải đăng ký vòng sơ tuyển để chọn thí sinh. Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cũng có vòng sơ tuyển, đồng thời sau tuyển chung còn tiến hành phỏng vấn để xét tuyển. Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật điều chỉnh môn thi năng khiếu khối V1 phù hợp với ngành đào tạo đặc thù.

Nhóm thứ hai có sự tham gia các trường và đại học vùng như ĐH Vinh, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng. Những trường này dù đều đăng ký tham gia tuyển sinh “3 chung” nhưng một số ngành tuyển sinh riêng. Những cơ sở này tham gia 2 phương thức vừa thi tuyển, vừa xét tuyển. Trong đó, những ngành văn hóa xét tuyển dựa trên kết quả học bạ 3 năm THPT cùng kết quả thi tốt nghiệp. Những ngành khối năng khiếu, trường kết hợp tổ chức thi các môn năng khiếu và xét tuyển các môn văn hóa.

Ở nhóm trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật như Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng… những ngành văn hóa tuyển sinh theo kỳ thi chung, còn ngành năng khiếu kết hợp thi các môn năng khiếu với xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập THPT.

Nhóm trường còn lại chiếm khá nhiều như Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Phan Chu Trinh, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Thái Bình Dương… Những trường này dành khoảng 70-75% chỉ tiêu tuyển sinh “3 chung” và 20-25% chỉ tiêu tuyển sinh riêng bằng hình thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT hay xét kết quả thi tốt nghiệp.

Thí sinh phải thận trọng

Thực tế, cùng với 62 trường có đề án tuyển sinh riêng còn có thêm 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật được thi tuyển sinh riêng từ năm 2013. Tuy nhiên, khi đăng ký vào những trường này thí sinh cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin để tránh thiệt thòi sau này.

Riêng với 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật như Nhạc viện TPHCM, Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM, Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai… thí sinh sẽ không được dùng kết quả để tham gia xét tuyển ở kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT nếu không trúng tuyển.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT: “Thí sinh đăng ký tuyển sinh riêng vào 62 trường có đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD-ĐT phê duyệt cần tìm hiểu kỹ quy định nộp hồ sơ cũng như cách thức tuyển ở mỗi ngành”.

Điển hình như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM có đề án tuyển sinh riêng nhưng thực tế chỉ có 4 ngành với 95 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Thiết kế thời trang thí sinh dự thi khối V1 (Toán, Vẽ, Văn) vào đợt 1 hai môn: Toán (theo đề khối A), môn Vẽ trang trí màu nước tại trường và nộp học bạ để xét tuyển môn Văn. Để được dự thi ngành này, thí sinh phải tốt nghiệp THPT với hạnh kiểm từ khá trở lên ở cả 3 năm cuối THPT và đạt điểm trung bình 5 học kỳ đầu 3 năm cuối THPT của môn Văn từ 5,5 điểm trở lên.

Tiêu chí xét tuyển: Lấy từ trên xuống theo tổng điểm của hai môn thi: Toán (hệ số 1) và Vẽ trang trí màu (hệ số 2), sau khi đã cộng điểm ưu tiên; trường hợp bằng điểm thì ưu tiên cho thí sinh có điểm trung bình môn Văn cao hơn. Trong đó, 4 ngành gồm: Kỹ thuật công nghiệp, Kinh tế gia đình, Công nghệ in, Sư phạm tiếng Anh chỉ xét tuyển kết quả THPT của thí sinh tốt nghiệp THPT lớp 12 trong năm 2014.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh năm 2014 theo kỳ thi chung kết hợp với sơ tuyển kết quả học tập THPT. Trường đã phải lùi thời hạn đăng ký sơ tuyển đến ngày 31-3 (thời hạn ban đầu là ngày 17-3). Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, mặc dù thông tin hướng dẫn đã được công bố nhưng vẫn còn một số thí sinh chưa rõ phương thức đăng ký sơ tuyển. Hiện thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn thuộc khối thi ở các học kỳ THPT đạt điểm chuẩn sơ tuyển (19,5 điểm cho khối A, A1 và 18 điểm cho khối D1) có thể tiếp tục vào trang web tuyển sinh của trường để xem hướng dẫn và hoàn thành thủ tục đăng ký. Tương tự, ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh phải thực hiện thêm bài thi đánh giá năng lực với một số chương trình chất lượng cao, tiên tiến và tài năng. Những chương trình còn lại chỉ dựa trên kết quả thi “3 chung”.

Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tuyển sinh được tiến hành theo hai bước: Chọn thí sinh từ kỳ “3 chung” vào vòng phỏng vấn với số lượng nhiều hơn chỉ tiêu không quá 30%. Sau đó thí sinh được phỏng vấn trực tiếp để xác định khả năng tư duy, phân tích, lập luận, xử lý tình huống và khả năng giao tiếp.

Câu hỏi phỏng vấn tập trung vào những kiến thức giáo dục công dân, vấn đề chính trị, thời sự của đất nước, các tình huống ứng xử… Điểm trúng tuyển là tổng điểm của kết quả thi cộng với điểm phỏng vấn trực tiếp, trong đó điểm phỏng vấn trực tiếp chiếm 15%, điểm thi chiếm 85%. Thí sinh nữ cũng cần lưu ý, chỉ tiêu dành cho nữ không quá 40% trên tổng chỉ tiêu đào tạo.

Nguồn: sggp.org.vn


Ngày gửi: 31/3/2014
Số người đã xem: 572
Trở lại